Ngôi trường mới “Bó Mon” mang bao ý nghĩa với trẻ em vùng cao

MIC – Giáo viên kể lại “4 trận giông lốc, mưa đá, xung quanh nhiều ngôi nhà thủng, tốc mái” riêng trường Bó Mon vẫn vững vàng giữa núi đồi. Chẳng còn cảnh ôm các con đi trú nhờ, cô trò giờ yên tâm dạy, học mặc ngoài kia mưa trút xuống từng cơn.

Nhớ lại những ngày gian khó, cô Trịnh Thu Trang (34 tuổi, giáo viên cắm bản ở điểm trường mầm non Bó Mon, xã Tú Nang, Yên Châu, Sơn La) cho biết hơn 60 trẻ 3 – 5 tuổi ở điểm trường đều là con em dân tộc Mông, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn.

Những ngày mưa gió rét buốt, các con mang theo cơm, buổi trưa ở lại trường rồi đến chiều học tiếp.

Điểm trường tạm bợ, mưa chạy, ngày nắng thì rát mặt, bụi bay mù mịt nói chi đến không gian cũng như điều kiện để vui chơi, trải nghiệm hay thỏa sức sáng tạo cho trẻ giống chốn thị thành.

Cô Trang chia sẻ: “Trước kia chưa có trường, các cô mượn kho ngô của bà con cho các con học tạm. Cứ mưa là cô trò vác nhau chạy trú nhờ lớp tiểu học.”

Thấu hiểu nỗi vất vả của cô trò miền núi, một nhóm thiện nguyện đã phối hợp nhóm kiến trúc sư làm việc với chính quyền, Phòng Giáo dục – đào tạo huyện Yên Châu mong muốn trao tặng một điểm trường mới khang trang cho trẻ em vùng cao.

Hơn 6 tháng vừa lên ý tưởng vừa thi công, một ngôi trường đẹp như mơ giữa núi đồi Tây Bắc nhanh chóng được hoàn thiện: điểm trường Bó Mon, thuộc Trường mầm non Sao Mai.

Trong tiết trời nóng bức, vượt cung đường dài ngoằn ngoèo đầy sỏi đá, bụi tung mù mịt, chúng tôi đến điểm trường thăm các em.

Vừa đặt chân đến nơi, bóng mát mái trường ngả xuống như xua tan cái nóng. Dưới mái hiên, một tốp học sinh tiểu học vừa tan trường đứng đợi em mầm non ra về.

Cạnh đó là sân chơi, dưới tán cây xanh các bác các cô người Mông cũng tranh thủ đứng đợi con hết giờ.

Các cô giáo kể từ đầu năm nay, Yên Châu xảy ra rất nhiều vụ giông lốc, mưa đá. Xung quanh, nhiều ngôi nhà bị thủng, tốc mái, vậy mà điểm trường Bó Mon vẫn vững vàng, kiêu hãnh trước sự khắc nghiệt của mẹ thiên nhiên.

Chỉ mấy khóm hoa trước sân, cô Hoàng Thị Hiệp, cô giáo cắm bản, hào hứng khoe đợt dịch vừa rồi hai cô gieo khóm cúc Indo, nay đã ra hoa tím ngát đẹp mắt và lan nhanh khắp sân trường. Thêm mấy cây xoài mới trồng trước sân, chắc sang năm thôi sẽ sớm có quả ăn.

Từ ngày điểm trường mới được xây dựng, không chỉ cô trò mà bà con ba thôn xã Tú Nang ai cũng mừng, bởi không còn thấp thỏm lo lắng cho con cho cháu như trước.

Ông Thào A Xềnh nhớ lại trước bà con cho mượn kho ngô làm lớp học, nhưng đến trường vất vả quá, học sinh bỏ học suốt, hoặc chỉ học nửa buổi rồi về.

“Giờ có trường mới, mình yên tâm gửi con cả ngày để làm nương, không sợ nắng mưa nữa”, ông Xềnh bày tỏ.

Ngày các nhà hảo tâm lên xây trường mới cho con em, cả bản mừng lắm. Mỗi người một việc cùng hỗ trợ, chung tay với thầy cô giáo, tình nguyện viên, từ đào móng đến mang vác vật tư xây dựng qua những cung đường đèo ngoằn ngoèo hiểm trở.

Trưởng bản Thào A Thái cho biết từ ngày trường được xây dựng khang trang, bà con đồng bào dân tộc Mông yên tâm gửi gắm con em cho nhà trường, cho thầy cô để lo làm ăn, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế.

“Bà con yên tâm, không còn lo nắng, mưa gió, các cô giáo cũng rất nhiệt tình với các em”, trưởng bản A Thái nói.

A Lử (5 tuổi), cậu bé người Mông nói khá sõi tiếng phổ thông, trả lời chúng tôi. A Lử rất thích chí khi được đến trường mới vui chơi cùng chúng bạn.

Ở điểm trường Bó Mon, A Lử và hơn 60 học sinh khác được chia thành hai lớp học. Cô Trịnh Thu Trang và cô Hoàng Thị Hiệp là hai cô giáo trẻ may mắn nhận nhiệm vụ về cắm bản dạy chữ ở Bó Mon khi trường vừa khánh thành.

Từng có thời gian cắm bản ở điểm trường trước đó, cô Trang thấu hiểu những gian nan, vất vả của con em đồng bào Mông trên con đường đến trường mỗi ngày.

Nay có trường có lớp mới, nhìn thấy gương mặt rạng ngời của những đứa trẻ, các cô giáo càng yên tâm hơn với hành trình gieo con chữ nơi bản làng xa xôi.

“Đây là lần thứ hai tôi lên cắm bản ở điểm trường, vui lắm vì nơi heo hút này đã có lớp học mới khang trang, có sân chơi rộng rãi thoải mái cho các con tha hồ vui chơi. Trường mát mùa hè, ấm hơn mùa đông, là động lực cho chúng tôi sáng tạo hơn trong phương pháp dạy học.

Giờ cô trò đều vui, phụ huynh phấn khởi tin tưởng cho con em ở lại học bán trú nên học sinh đi học đều hơn”, cô Trang trải lòng.

Theo: Tuổi trẻ 

Bài Viết Liên Quan