Tại sao sinh viên Việt Nam không giỏi tiếng Anh?

Tìm hiểu nguyên nhân sinh viên Việt Nam không giỏi tiếng Anh

Tiếng Anh là tiếng nói chung của toàn thế giới, được sử dụng rộng rãi. Chính vì vậy mà nhu cầu học tiếng Anh tại Việt Nam đang thực sự nở rộ. Tuy nhiên thực trạng sinh viên Việt Nam học kém tiếng Anh rất đáng phải báo động. Vậy nguyên nhân do đâu mà sinh viên Việt Nam lại không giỏi tiếng Anh? Cùng chúng tôi đi sâu phân tích về vấn đề này nhé.

Bài viết liên quan:

Học tiếng Anh

Dù không phải là vơ đũa cả nắm, nhưng bạn vẫn phải ngồi và suy nghĩ về các con số sau: 51,7 % sinh viên tốt nghiệp không đáp ứng được yêu cầu về kỹ năng tiếng Anh. Theo bà Trần Thị Hà, vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học cho biết: Chỉ có 10,5% số trường ĐH đã thực hiện khảo sát đánh giá khả năng đáp ứng yêu cầu công việc về kỹ năng sử dụng tiếng Anh của SV tốt nghiệp. Kết quả cho thấy khoảng 49,3% SV đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng, 18,9% SV không đáp ứng được và 31,8% SV cần đào tạo thêm”.

Từ những số liệu trên đã đủ thấy rằng trình độ tiếng Anh của sinh viên Việt Nam vẫn còn rất nhiều hạn chế. Sau đây chúng tôi xin nêu ra 5 lý do khiến sinh viên Việt Nam chưa giỏi tiếng Anh. Hãy liên hệ với bản thân, xem mình đã và đang đứng ở chỗ nào nhé.

Thứ nhất: Phương pháp học và giáo trình còn lạc hậu

Bạn không thể phủ nhận một thực tế rằng. Trải qua nhiều thế hệ học sinh, sinh viên đều không thể quên câu giao tiếp huyền thoại “Hello, how are you? I’m fine, thank you. And you?”. Với phương pháp học tiếng Anh không thay đổi nhiều, chỉ phụ thuộc quá nhiều vào giáo trình trên lớp mà không chú trọng vào giao tiếp. Điều đó đang gây cản trở quá trình chinh phục tiếng Anh của bao thế hệ sinh viên Việt Nam. Giao tiếp mới là mục đích cuối cùng của việc học tiếng Anh chứ không phải chỉ như là “copy” rồi “paste”.

Dù đã trải qua nhiều đợt cải cách giáo dục, song việc dạy và học tiếng Anh vẫn không hề có chuyển biên tích cực. Thầy và trò đến lớp học từng từ vựng, dịch nghĩa và cố gắng ghi nhớ. Một thực tế là học tiếng Anh trong môi trường đại học chỉ là học và kiểm tra cho qua chứ không phải là học làm sao để giao tiếp tiếng Anh được thành thạo.

Về phần nghe, hầu như sinh viên rất ít được nghe đài hoặc nghe giáo viên người nước ngoài nói chuyện. Dù có nghe cũng là đọc trước nội dung rồi nghe nên tình hình tiếng Anh của sinh viên mãi không thể cải thiện được. Phải nói đến ở đây là phần lớn thời gian học chúng ta dành ra để học các cấu trúc câu, cấu trúc từ. Kết quả thật đáng buồn là sinh viên có thể nắm bắt được nhiều cấu trúc ngữ pháp những khả năng giao tiếp thì gần như bằng không. Nếu cứ chạy theo mối mòn cũ như vậy, thì thực ra không biết đến bao giờ khả năng tiếng Anh của học sinh, sinh viên mới có chuyển biến.

Thứ 2: Trình độ giáo viên tiếng Anh

Phải thừa nhận rằng hiện tại có nhiều giáo viên có trình độ cũng như kỹ năng chuyên môn tốt. Tuy nhiên, không phải giáo viên nào cũng vậy. Có rất nhiều giáo viên dạy tiếng Anh hiện tại không hề có chứng chỉ sư phạm tiếng Anh.

Thực tế, một số trường học ở nông thôn và các vùng cao do thiếu nguồn giáo viên mà một giáo viên có thể dạy nhiều môn học. Chính điều này không thể đảm bảo kiến thức chuyên sâu để giảng dạy tiếng Anh. Hiện nay do nhu cầu học tiếng Anh trở nên cấp thiết mà nhiều trung tâm tiếng Anh được thành lập rất nhiều, nguồn cung cấp giáo viên không đáp ứng được nhu cầu, quá trình tuyển chọn giáo viên tiếng Anh chất lượng là rất khó khăn.

Thứ 3: Sự khác biệt ngôn ngữ

Một khó khăn rất lớn với sinh viên Việt Nam là khả năng phát âm tiếng Anh, vì âm tiết trong tiếng Anh có sự khác biệt rất lớn với tiếng Việt. Tiếng Việt là ngôn ngữ đơn âm và có thanh điệu. Chính điều này gây cản trở rất lớn trong quá trình học tiếng Anh của người Việt ta. Trong tiếng Anh có rất nhiều từ có từ 2 âm tiết trở nên, mà trong đó có âm tiết được phát âm khác biệt so với các âm còn lại, mà trong tiếng Anh nó được gọi là trọng âm. Đây là một trong số những nguyên nhân người Việt nói tiếng Anh mà người nước ngoài rất khó hiểu.

Thứ 4: Do sinh viên quá “ chăm chỉ”

Trên đây là những yếu tố khách quan khiến sinh viên Việt Nam không thể giỏi tiếng Anh. Vậy có nguyên nhân nào xuất phát từ ngay chính sinh viên không? Chỉ có một từ để diễn tả điều đó: lười.

Tại sao tôi lại dùng từ “chăm chỉ” ở đây? Sinh viên quá chăm chỉ vào những việc vô bổ như chơi game, lướt web, xem phim… Thực trạng này đã được rất nhiều người lên án, tuy nhiên hiện trạng này vẫn không được cải thiện. Có rất nhiều nguồn học tiếng Anh miễn phí, tuy nhiên nếu không có ý định cũng như mục tiêu chinh phục tiếng Anh thì những điều đó cũng trở nên vô ích.

Tiếng Anh hay bất cứ một ngôn ngữ nào khác cũng cần một sự cố gắng không ngừng, cần luyện tập hàng giờ, hàng ngày. Học đi đôi với hành là như vậy, nếu sinh viên không thay đổi thái độ chắc chắn sẽ không mang lại kết quả tốt đâu nhé.

Cuối cùng: Ngại giao tiếp

Ngại giao tiếp tiếng Anh là nguyên nhân vô cùng nghiêm trọng trong quá trình học tiếng Anh của sinh viên Việt Nam. Ngại hỏi, ngại đọc, ngại khó… và rất nhiều cái ngại đang giết chết ước mơ chinh phục tiếng Anh của phần lớn sinh viên Việt Nam.

Hỏi không có nghĩa là mình kém thông minh, thế giới này có vô vàn kiến thức làm sao mà bạn biết hết được. Hỏi cho thấy rằng bạn nghiêm túc phân tích những gì đã được học và mong muốn được tìm hiểu kỹ càng hơn mà thôi.

Ngày nay có rất nhiều phương pháp học tiếng Anh, một số tham gia các trung tâm tiếng Anh, một số bạn tham gia các câu lạc bộ tiếng Anh để được có cơ hội trò chuyện với người nước ngoài thì một bộ phận lại không dám tham gia. Các bạn sợ mình phát âm không chuẩn, từ vựng không đủ, không biết nói gì. Nếu cứ mãi lo sợ như vậy, tôi không thể tưởng tượng đến bao giờ sinh viên Việt Nam mình mới thành thạo tiếng Anh đây.

Tìm hiểu thêm: 9 lý do bạn nên học tiếng Anh luôn và ngay

Trên đây là bài viết nhằm chia sẻ với bạn đọc những nguyên nhân mà sinh viên Việt Nam không giỏi tiếng Anh. Là thế hệ tương lai của đất nước, sinh viên Việt Nam cần có một công cụ để tiến lên, đó là tiếng Anh. Thực ra học tiếng Anh rất đơn giản không khó như bạn nghĩ đâu. Hãy đứng lên và hành động!

CHÚC  CÁC BẠN THÀNH CÔNG!

Bài Viết Liên Quan