• Cung cấp giáo viên bản ngữ

Ba cách học ngữ pháp tiếng Anh dành cho mọi lứa tuổi

Hôm nay giáo viên tiếng Anh tại MIC sẽ giới thiệu cho bạn ba cách học ngữ pháp tiếng Anh tốt nhất mang lại sự vui nhộn cho lớp học của bạn nhé!

ba cách học ngữ pháp tiếng Anh dành cho mọi lứa tuổi.

Các trò chơi trong quá trình học tiếng Anh luôn là cách nắm bắt ngữ pháp tốt nhất.

Vì sao cần có các trò chơi trong các lớp học tiếng Anh? 

Trò chơi và các hoạt động vui chơi là một tính năng mà hầu hết các giáo viên dạy tiếng Anh thường xuyên áp dụng trong các lớp học tại các trung tâm Anh ngữ cho trẻ em. Không những thế, ở các lớp học tiếng Anh dành cho người lớn cũng không thể thiếu các hoạt động này, nhằm tạo động lực cho người học, làm cho mục tiêu học tập trở nên rõ ràng và dễ dàng ghi nhớ hơn, đồng thời còn củng cố sự hợp tác trong quá trình làm việc nhóm giữa các học viên.

Dưới đây là các hoạt động thú vị dành cho học viên sơ trung cấp, khi học cấu trúc ngữ pháp “to be able to” để bạn tham khảo. Tuy nhiên, các hoạt động này có thể được điều chỉnh một cách linh hoạt để áp dụng vào các cấu trúc ngữ pháp khác có độ phức tạp ít hơn hoặc nhiều hơn, tùy thuộc vào từng cấp độ của lớp học đó.

1. Trò chơi hỏi đố dành cho các nhóm 

Hoạt động này được thiết kế để sử dụng trong giai đoạn luyện tập và thực hành của một bài học. Nói cách khác là trước đó bạn đã phải hoàn thành xong việc giới thiệu mục tiêu học tập cho các học sinh của mình.

Mục đích ở đây là làm cho cấu trúc ngữ pháp trở nên ấn tượng và dễ nhớ bằng cách cung cấp một bối cảnh hay nội dung mang tính cá nhân. Hãy bắt đầu với một ví dụ trên bảng (có thể điều chỉnh các mục sau đây sao cho phù hợp với lớp học thực tế của bạn):

Something I’m able to do well – (Một cái gì đó tôi có thể làm tốt).

_________________ football quite well – (_________________bóng đá khá tốt).

Hãy gợi ý cho học sinh của bạn để họ có thể hoàn chỉnh câu trả lời: “I’m able to play football quite well” (Tôi có thể chơi bóng đá khá tốt). Sau đó, yêu cầu thêm một số gợi ý về những điều mà họ nghĩ rằng bạn có thể làm. Viết ý tưởng của họ lên bảng. Ví dụ:

Học sinh: “Drums!” (cái trống)

Giáo viên: “No, I’ve never been able to play the drums” (Không, tôi chưa bao giờ có thể chơi trống). Lúc này giáo viên có thể viết thêm cụm từ “play the drums” lên bảng như một cụm từ mới để giới thiệu cho các học viên của mình.

Học sinh: “Can you speak Spanish?” (Thầy/cô có thể nói tiếng Tây Ban Nha không?).

Giáo viên: “No, but I’d love to be able to speak Spanish” (Không, nhưng rất muốn có thể nói được tiếng Tây Ban Nha). Viết cụm từ “speak Spanish” lên bảng.

Hãy tiếp tục thực hiện theo cách này cho đến khi bạn có một tập hợp các cụm “động danh từ” trên bảng. Học sinh có thể tham khảo những cụm từ trên và lấy làm cảm hứng để sử dụng trong các hoạt động kế tiếp.

Giờ hãy chia lớp học thành các nhóm bốn hoặc năm học viên và trao cho mỗi học viên một bộ thẻ đố. Các thẻ này bao gồm nhiều thì tiếng Anh khác nhau dựa trên nội dung của những bài học trước, chẳng hạn như thì hiện tại hoàn thành và thì quá khứ đơn. Và hãy chắc rằng những thẻ này phù hợp của các học viên trong lớp.

Lúc này, người học sẽ phải viết ra một câu hoàn chỉnh có chứa thì tiếng Anh trong thẻ và trong câu phải có một hoặc nhiều cụm từ vừa được liệt kê trên bảng trước đó. Ví dụ: “I’d like to be able to speak Spanish” (Tôi muốn mình có thể nói tiếng Tây Ban Nha) hoặc “I’ve been able to cook well” (Tôi chưa bao giờ có thể nấu ăn ngon) v.v…

Trong lúc học sinh viết câu, giáo viên tiếng Anh hãy làm nhiệm vụ quan sát, hỗ trợ và giải đáp mọi khó khăn thắc mắc khi cần thiết. Bên cạnh đó, nhớ khuyến khích những bạn đã hoàn thành sớm kiểm tra các câu trả lời của nhau hoặc giúp đỡ những thành viên khác trong nhóm.

Sau khi tất cả đã hoàn thành xong, hãy để học sinh thảo luận câu trả lời của mình với những người khác trong nhóm trước khi viết tên lên thẻ. Tiếp theo, yêu cầu mỗi nhóm thu tất cả các thẻ lại và xáo trộn chúng lên.

Bây giờ, bạn đã có thể bắt đầu các câu đố bằng cách sử dụng các câu trên thẻ của học sinh. Để minh họa, hãy lấy một thẻ bất kì từ một nhóm nào đó và đọc cho cả lớp nghe. Ví dụ: Ai đã viết: “I’ll be able to go to the moon in the future”? (mình sẽ có thể du hành đến mặt trăng trong tương lai). Hãy yêu cầu học sinh từ nhóm khác đoán xem ai là người đã viết câu này và cho các em thời gian thảo luận trước khi đưa ra đáp án. Nếu bạn chơi trò chơi như thế này với cả lớp, bạn có thể đóng vai trò là một “bậc thầy đố vui”, đặt câu hỏi và giữ điểm trên bảng.

Cuối cùng, bạn hãy để cả lớp làm việc cùng nhau bằng cách cho các học sinh bắt cặp và chọn ra năm tấm thẻ để giải thích cho câu trả lời của mình. Lúc này, giáo viên đóng vai trò là người giám sát và ghi nhận những sai sót của học viên trong vấn đề sử dụng ngôn ngữ. Những câu trả lời sai có thể sẽ được sửa lỗi trong tiết học kế tiếp.

Hoạt động giải đố này rất hữu ích đối với các lớp học tiếng Anh thiếu nhi. Ngoài ra, với các học viên lớn, họ cũng có thể tự chơi trò chơi này trong nhóm của mình.

2. Sửa lỗi ngữ pháp tiếng Anh cùng bạn học

Trò chơi sửa lỗi ngữ pháp này là cách học tiếng Anh tốt nhất và mang lại nhiều niềm vui cho học viên.

Đầu tiên, hãy viết các câu tiếng Anh (chẳng hạn như các câu dưới đây) và cho cả lớp biết rằng mỗi câu như vậy đều có ít nhất một lỗi ngữ pháp. Yêu cầu học sinh làm việc theo cặp để thảo luận và chỉnh sửa sao cho phù hợp.

  1. I’ve never be able to swim in the sea. (Tôi chưa bao giờ có thể bơi được ở biển).
  2. I’ll to be able to play football tonight, if the weather’s good. (Nếu trời đẹp, tôi sẽ có thể chơi bóng đá vào tối nay).
  3. I’d love to being able to speak English perfectly. (Tôi rất thích có thể nói tiếng Anh hoàn hảo).
  4. My friends was able to see my car when I drove past. (Bạn bè của tôi đã có thể nhìn thấy chiếc xe của tôi khi tôi lái xe qua.)
  5. I’m able to playing the piano really well. (Tôi có thể chơi piano thực sự tốt).
  6. If we finish early, we’ll able go to shopping after work. (Nếu chúng tôi xong sớm thì chúng tôi sẽ có thể đi mua sắm sau khi làm việc).
  7. John’s to be able to cook like a chef. His food is so much tasty. (John có thể nấu ăn như một đầu bếp. Đồ ăn của anh ấy rất ngon).
  8. My brother’s able to make great photos in holiday. (Anh trai tôi có thể tạo ra những bức ảnh tuyệt vời trong kỳ nghỉ).
  9. She able to sing beautifully. All the people thinks she’ll be a pop star. (Cô ấy hát rất hay. Tất cả mọi người nghĩ rằng cô ấy sẽ trở thành một ngôi sao nhạc pop).

Bây giờ hãy chia cả lớp thành ba nhóm lớn, để họ sẽ không làm việc lại với các bạn trước đó. Yêu cầu họ thảo luận thêm về cách chỉnh sửa những câu trên. Tiếp theo, đưa cho mỗi nhóm bút viết bảng với nhiều màu khác nhau. Mỗi nhóm sẽ cử ra người viết, sau đó người được cử phải nhanh chóng chạy lên bảng và chỉnh sửa một trong các câu trên. Khi sửa xong, họ phải quay lại nhóm của mình và chuyển bút cho người kế tiếp.

Đừng quên gợi ý lỗi sai cho cả lớp trước khi trò chơi bắt đầu. Khi trò chơi kết thúc, bạn có thể cộng điểm bằng cách đếm màu bút có nhiều câu chỉnh sửa đúng nhất.

trò chuyện nhiều với giáo viên nước ngoài là một cách tốt để học ngữ pháp tiếng Anh

Rèn luyện ngữ pháp chuẩn với giáo viên nước ngoài

 

Trò chơi này vừa giúp rèn luyện ngữ pháp cho học viên mà cũng vừa rèn tính nhanh nhạy chính xác và tinh thần làm việc nhóm cho mỗi người. Cây bút được hoán đổi liên tục giữa các thành viên trong nhóm sẽ giúp tạo ra sự công bằng và cả lớp đều được tham gia vào trò chơi, ngăn tình trạng chỉ có một người tiếp quản hết trò chơi (hoặc có những bạn không tham gia gì cả).

3. Điền vào chỗ trống theo nhóm để ôn tập và củng cố kiến thức ngữ pháp

Hoạt động thứ ba là một trò chơi được thực hiện nhằm mục đích ôn tập.

Đầu tiên, chia lớp thành hai đội và cho mỗi đội một cây bút viết bảng. Giáo viên sẽ viết câu hỏi lên bảng và để hai chỗ trống cho mỗi đội ghi câu trả lời vào đó. Ví dụ:

I want to ___________ French fluently before my holiday next year. (Tôi muốn ___________ tiếng Pháp trôi chảy trước kì nghỉ năm tới).

Đội A: ____________ Đội B: ____________

Bây giờ hãy để học viên thảo luận ý tưởng trong nhóm riêng và bạn chỉ đưa ra một khoảng thời gian ngắn để quyết định câu trả lời. Tiếp theo, yêu cầu họ cử một người trong nhóm viết câu trả lời lên bảng. Hãy chắc chắn rằng thành viên của mỗi nhóm viết cùng một lúc để tránh tình trạng sao chép lẫn nhau.

Một khi cả hai nhóm đã viết xong câu trả lời, hãy mở một cuộc thảo luận với lớp. Nếu các đội có câu trả lời khác nhau thì hội ý xem câu trả lời của nhóm nào là đúng, việc này nhằm mục đích nâng cao tinh thần tự điều chỉnh và phản ánh.

Hãy tiếp tục trò chơi bằng cách viết một câu hỏi mới lên bảng cho mỗi lần chơi và hoán đổi vai trò của người viết câu trả lời. Những điểm số nho nhỏ như một phần thưởng đi kèm cho mỗi câu trả lời đúng sẽ là động lực tích cực cho tất cả học viên tham gia vào trò chơi này.

Với ba hoạt động học ngữ pháp tiếng Anh trên đây, hy vọng bạn sẽ mang lại không khí vui tươi cho lớp học và biến những bài học ngữ pháp buồn tẻ thành những giờ vui chơi bổ ích cho các học viên của mình.

BT: Nt Lâm

Bài Viết Liên Quan