Bắt trước giáo viên bản ngữ qua chiếc gương của học trò 10x

MIC – Ở trường vùng cao ít giáo viên bản ngữ quá, cậu học trò 10X ở Lào Cai nảy ra ý tưởng luyện phát âm qua… chiếc gương ở nhà. Em nói học tiếng Anh ở trên này không có điều kiện học tập như ở dưới xuôi.

Năm 2018, Vũ Nhật Nam đoạt giải ba bảng học sinh Hội thi Olympic tiếng Anh toàn quốc – Ảnh: NVCC

Tự nói chuyện với mình trong gương, bắt chước người bản ngữ hoặc dùng ứng dụng điện thoại (trợ lý ảo) là cách để cậu luyện tiếng Anh.

Tự học tiếng Anh mà em có thành tích đáng nể

Với số điểm 870, Vũ Nhật Nam (18 tuổi, Trường THPT số 1 Bảo Yên, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) là một trong 10 thí sinh lọt vào bảng học sinh – vòng chung kết Hội thi Olympic tiếng Anh học sinh, sinh viên toàn quốc lần thứ 3 với thông điệp “Chinh phục IELTS”. Cuộc thi do Trung ương Đoàn, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam phối hợp Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức.

“Từ cấp II đến nay mình hoàn toàn tự học, kể cả nói và phát âm tiếng Anh. Ở huyện vùng cao, việc tiếp xúc, nói chuyện với giáo viên bản ngữ càng ít hơn, do đó học tiếng Anh càng khó. Mình hay xem video trên mạng và là fan ruột của nhạc Âu Mỹ. Xem, nghe rồi mình bắt chước giọng nói của họ”, Nam chia sẻ.

Bí kíp của Nam là khi học tiếng Anh luôn coi mình như một đứa trẻ. Không được học sách vở, ngữ pháp ngay từ đầu mà đứa trẻ ấy phải bắt chước giọng nói của người bản ngữ để nói tiếng Anh sao cho thật tự nhiên.

Nam nhớ, đam mê tiếng Anh bắt đầu từ những tiết học trên lớp với nhiều trò chơi lý thú. Kể từ đó về nhà Nam thường đứng trước gương tập nói. “Mình tự nói với mình trong gương, bắt chước người bản xứ. Thỉnh thoảng bật Google dịch hoặc sử dụng ứng dụng trên điện thoại (trợ lý ảo) trên iPhone để xem những công cụ đó có nhận ra giọng nói của mình không”, Nam bộc bạch.

Coi tiếng Anh như sở thích của mình chứ không vùi đầu vào sách vở

Điều khiến Nam thấy tâm đắc nhất là học tiếng Anh giúp bạn khám phá được rất nhiều nội dung mới qua phim ảnh, sách vở, chưa kể còn giúp tìm tòi thêm tài liệu phục vụ cho các môn học khác. Nam chia sẻ hầu hết tài liệu hay đều được viết bằng tiếng Anh nên phải khai thác triệt để, phải luyện tiếng Anh thật tốt để khai thác được tài liệu quý.

“Có lẽ là đam mê – Nam quả quyết – Mình nghĩ môn học nào cũng vậy thôi, nếu thực sự yêu thích, đam mê, “học mà chơi, chơi mà học”, coi tiếng Anh như sở thích của mình chứ không vùi đầu vào sách vở”.

Liên tiếp hai năm liền, Vũ Nhật Nam đều có mặt vào vòng chung kết Olympic tiếng Anh (lần 2, lần 3). Năm 2018, Nam đoạt giải ba bảng học sinh Hội thi Olympic tiếng Anh học sinh, sinh viên toàn quốc. Qua cuộc thi được cọ xát với nhiều bạn trẻ khắp mọi miền Tổ quốc, cậu bạn chia sẻ nhờ đó các thí sinh cùng nhau rèn tiếng Anh, tìm ra điểm mạnh – điểm yếu của bản thân và biết được trình độ thế nào để tự định hướng đường đi dài hơi với tiếng Anh.

“Ngoài đánh giá kỹ năng ngữ pháp, từ vựng khá chuyên sâu, hội thi còn đánh giá kỹ năng nói và bài thuyết trình. Bản thân mình rất thích nói tiếng Anh nên đăng ký suốt 2 năm, năm nay có nâng cao hơn về độ khó. Khác biệt duy nhất là năm nay chúng mình không thi tập trung do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Nhưng vừa rồi tham gia thi thử, mình thấy cuộc thi áp dụng công nghệ thông tin tốt hơn, thậm chí áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào đánh giá phát âm”, Vũ Nhật Nam chia sẻ.

Theo: Hà Thanh

Bài Viết Liên Quan